23/12/16
Mrlee

Nếu bạn sử dụng internet thường xuyên thì ít nhiều bạn đã từng nghe về SEO, vậy SEO là cái gì và các SEOer làm những công việc gì? lợi ích mang lại của SEO có nhiều không mà tại sao nhiều người quan tâm tới SEO đến vậy?

Bài viết này chúng tôi cố gắng giải thích chi tiết nhất có thể về SEO, công việc của các SEOer và những lợi ích mà SEO mang lại dựa trên kinh nghiệm thực tế của chúng tôi từ trước tới nay.

SEO là gì?

SEO là viết tắt của từ Search Engine Optimization, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, tức là bạn cần phải tối ưu nội dung có trên website để website của bạn có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng của các công cụ tìm kiếm như Google, Youtube, Facebook, Bing, Yahoo...

SEO có quan trọng không?

Trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, khi mọi người đều sử dụng mạng internet để tìm kiếm thông tin về các mặt hàng sản phẩm, dịch vụ thì SEO lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng. SEO sẽ giúp các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng tiềm năng trong khi chi phí bỏ ra giảm đáng kể so với hình thức kinh doanh truyền thống.

SEO sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn

Sự khác biệt giữa kinh doanh truyền thống và áp dụng SEO vào trong kinh doanh?

Kinh doanh truyền thống: Đây là hình thức kinh doanh có từ lâu, để kinh doanh theo hình thức truyền thống thì bạn cần thuê văn phòng hoặc cửa hàng tại mặt đường để mọi người đi qua biết tới doanh nghiệp/cửa hàng bạn kinh doanh cái gì, đồng thời thuê nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng để có thể đẩy mạnh hoạt động buôn bán kinh doanh của mình.

Tuy nhiên hình thức kinh doanh truyền thống tồn tại nhược điểm rất lớn đó là chi phí cho việc thuê văn phòng/cửa hàng tại mặt đường thường rất cao, bạn rất khó giới hạn đối tượng khách hàng của mình nhất là với các công ty cung cấp dịch vụ.

Kinh doanh bằng SEO: Là hình thức kinh doanh sử dụng công cụ tìm kiếm để khách hàng tự tìm tới mình. Với hình thức kinh doanh này thì cửa hàng, văn phòng không còn đóng vai trò quan trọng nữa vì đa phần các hoạt động buôn bán đều thông qua internet, tiết kiệm được thời gian đi lại của khách hàng vì khách hàng chỉ cần ngồi một chỗ là có thể tìm kiếm được mặt hàng mong muốn.

Ngoài ra việc áp dụng SEO vào kinh doanh giúp cho doanh nghiệp có thể dễ dàng giới hạn được lượng khách hàng cần thiết thông qua các từ khóa liên quan trực tiếp tới ngành nghề kinh doanh mà khách hàng trực tiếp tìm kiếm, mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với hình thức kinh doanh truyền thống.

Việc áp dụng SEO vào kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được khách hàng tiềm năng hơn

Các loại SEO phổ biến?

Có nhiều loại SEO khác nhau, tùy thuộc vào mục đích và nhu cầu mà các SEOer cần lựa chọn loại SEO phù hợp. Bài viết này T3i chỉ tổng hợp 4 loại SEO được nhiều SEOer quan tâm nhất.

1. SEO Text (SEO văn bản)

Đây là hình thức SEO phổ biến nhất bởi đa số các doanh nghiệp, cửa hàng khi muốn SEO sản phẩm/dịch vụ của mình thì phải viết bài về sản phẩm, dịch vụ đó. Nếu các văn bản giới thiệu về mặt hàng của doanh nghiệp cuốn hút, mang lại giá trị thực sự cho người dùng thì khả năng người dùng sẽ mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp đó sẽ lớn hơn.

SEO văn bản là hình thức SEO phổ biến hiện nay

2. SEO ảnh

Hình thức này ít được chú trọng hơn bởi hình ảnh thường mang lại ít giá trị cho người dùng khi tìm kiếm bằng Google hình ảnh. Tuy nhiên khi hình ảnh của bạn đẹp mắt và không bị trùng lặp, thể hiện được thông điệp cần truyền tải và kết hợp với SEO Text thì sẽ có giá trị rất lớn.

SEO hình ảnh

3. SEO Video/Clip

Hiện nay việc SEO video chủ yếu tập trung chủ yếu SEO tại trang youtube.com. Việc tiến hành SEO video sẽ giúp người dùng có được cái nhìn tổng quan nhất về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp bởi thông điểm truyền tải từ video mang giá trị rất lớn.

4. SEO Google Map (Seo local/địa điểm)

SEO Map được nhiều SEOer quan tâm từ khoảng 10 năm trở lại đây. Việc SEO Map sẽ giúp người dùng nhanh chóng tìm được các thông tin cần thiết về doanh nghiệp (địa chỉ, website, số điện thoại, ngày giờ hoạt động trong tuần...)

Các cỗ máy tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Hầu hết các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing… đều lập trình ra ứng dụng tìm kiếm “robot” (bot, spinder…) hoặc thường được gọi với thuật ngữ con bọ. Nhiệm vụ của con bọ là đi lùng sục các website khác nhau trên thế giới để tiến hành thu thập đữ liệu. Bản thân các con bọ không thể tự đi thu thập dữ liệu nội dung mà nó thường lùng theo một hướng nhất định (ví dụ như thông qua dải ip của các nhà cung cấp dịch vụ hosting, domain…), điều đó giải thích vì sao website của bạn mới thành lập nhưng bạn không hề giới thiệu, quảng bá trên kênh nào mà website của bạn vẫn xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm.

Con bọ sẽ thông qua nội dung HTML website của bạn mà tiến hành thu thập dữ liệu (crowling) theo thứ tự từ trên xuống dưới. Mỗi khi bot tìm thấy link liên kết nào trên nội dung HTML đó bot sẽ tiếp tục tìm và crowling liên kết đó (gọi là sơ đồ liên kết). Bot chỉ ở trên website của bạn trong một thời gian nhất định chính vì vậy việc đặt các link liên kết trên website một cách hợp lý giúp cho website của bạn được bot crowl nhiều nội dung hơn. Bạn cũng cần chú ý rằng bot không phải là con người và bot chỉ đọc được các nội dung dưới dạng văn bản, html thông thường, bot không có khả năng xem được nội dung file flash hoặc ajax… chính vì vậy khi SEO bạn cần sử dụng file flash, ajax… một cách hợp lý tránh ảnh hưởng tiêu cực tới SEO.

Bot sẽ rà soát từng link có trên website của bạn để lập chỉ mục

Ngoài ra để bot có thể nhanh chóng tìm được các nội dung có trên website bạn cần tạo Sitemap để bot có thể nhanh chóng thu thập đủ link có trên website của bạn.

Khi bot đã tìm được nội dung cần thiết trên website của bạn, bot sẽ tiến hành lập chỉ mục (công đoạn này còn được gọi là indexing) các page có trên website của bạn. Các nôi dung được bot index bao gồm thông tin về link liên kết,  tiêu đề, mô tả, các thẻ meta, nội dung, hình ảnh… của page đó sau đó hiển thị kết quả khi người dùng tìm kiếm từ khóa có liên quan tới các nội dung được nó index. Việc website của bạn hiển thị thứ hạng cao hay thấp trên bảng xếp hạng của Google tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau (nội dung website, độ uy tín, tuổi đời tên miền, backlink…)

Nghề SEO là gì? SEOER là ai và công việc của SEOER là làm những gì?

SEOER là những người thực hiện các thủ thuật cần thiết để giúp cho website có được thứ hạng cao trên bảng kết quả tìm kiếm. Hiện nay đa số người dùng Việt Nam sử dụng Google và Cốc cốc để tìm kiếm các thông tin cần thiết nên công việc của SEOER chủ yếu vào việc nâng thứ hạng website trên 2 công cụ tìm kiếm này.

Việc nắm rõ hoạt động của các công cụ tìm kiếm sẽ giúp bạn hiểu được bạn cần làm gì và tránh được những sai lầm không đáng có trong quá trình SEO. Bạn cũng cần biết rằng mỗi công cụ tìm kiếm đều sử dụng các thuật toán khác nhau, điều đó có nghĩa là cách SEO của bạn có thể thích hợp với công cụ tìm kiếm này nhưng có thể lại không phù hợp với công cụ tìm kiếm khác.

Ví dụ Cốc Cốc vốn là công cụ tìm kiếm được thiết kế dành riêng cho người Việt. Tuy nhiên các thuật toán của Cốc Cốc được cho là lỗi thời hơn của Google tới 3 năm. Cốc Cốc thường đánh giá cao các website lâu năm, có tên miền trùng với từ khóa, số lượng backlink hướng về website mà ít tập trung vào nội dung của website chính vì vậy nếu bạn chỉ chăm chăm vào SEO trên Cốc Cốc thì rất có thể website của bạn sẽ bị phạt bởi các thuật toán của Google.

Các công việc SEOER?

Mỗi SEOER lại có cách làm việc khác nhau để giúp website đạt được thứ hạng cao, tùy theo mục đích mà công việc của SEOer sẽ có sự khác biệt tuy nhiên các công việc chính của SEOer thường bao gồm:

1. Nghiên cứu từ khóa (Keyword)

Đây là công đoạn hết sức quan trọng, việc nghiên cứu từ khóa trước khi bắt tay vào SEO sẽ giúp cho SEOer tránh được việc “lạc lối” trong quá trình SEO. Để làm công việc này trước tiên bạn cần tổng hợp các sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp của bạn cần SEO sau đó nghiên cứu các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất liên quan đến sản phẩm/dịch vụ đó, chắt lọc các từ khóa cần thiết, độ cạnh tranh phù hợp sau đó mới tiến hành SEO theo các từ khóa đã được chắt lọc..

2. Viết nội dung (Content)

Nội dung của sản phẩm/dịch vụ cần xoay quanh các từ khóa bạn định tiến hành SEO. Google đánh giá rất cao nội dung (nếu không muốn nói là cao nhất) trong các tiêu chí xếp hạng của mình chính vì thế bạn cần đặc biệt lưu tâm tới nội dung trên website của mình.

3. Tối ưu Onpage

Là hình thức tối ưu website của bạn sao cho thân thiện với các công cụ tìm kiếm. Việc tối ưu onpage bao gồm tối ưu tiêu đề, các thẻ meta có trong website, tối ưu hình ảnh, tốc độ load trang….

4. SEO Off-page

Tìm kiếm và hướng các backlink từ các website, mạng xã hội, web 2.0… hướng về website của mình.

5. Chia sẻ trên các trang mạng xã hội (Facebook, G+, Twitter, Pinteres…)

Việc chia sẻ nội dung website lên các trang mạng xã hội sẽ giúp website có được traffic từ nhiều nguồn khác nhau, hỗ trợ đáng kể cho công việc SEO.

6. Một số công việc khác

Việc áp dụng thủ thuật, đa dạng quá trình SEO cũng là một phần công việc của các SEOer.

Có các hình thức SEO nào?

Các công cụ tìm kiếm ngày càng hoàn thiện thuật toán của mình, các doanh nghiệp thì ngày càng tập trung cho SEO nhiều hơn nên SEO ngày càng khốc liệt. Nhiều SEOer còn sử dụng các thủ thuật xấu, chơi bẩn để dìm website của đối thủ và lừa các công cụ tìm kiếm để giúp website của mình có thứ hạng cao hơn. Hiện nay SEO được chia làm 3 trường phái là SEO mũ trắng, SEO mũ đen và SEO mũ xám. Nội dung dưới đây chúng tôi không phân tích về việc trường phái nào là đúng bởi trong SEO mọi thứ chỉ có tính chất tương đối, các SEOer thường nóng lòng về thứ hạng bảng xếp hạng tìm kiếm nên khó tránh khỏi việc áp dụng các thủ thuật một cách quá đà vào SEO, có thể lúc này bạn làm đúng và từ khóa của bạn lên nhưng tới khi Google update thuật toán thì bạn lại trở thành sai và website của bạn sẽ bị Google phạt một cách không thương tiếc.

SEO mũ trắng là gì?

SEO mũ trắng (gọi theo tiếng Anh là White Hat SEO) là hình thức SEO lành mạnh không Spam, sao chép nội dung hoặc kiếm visit, backlink bẩn… SEO mũ trắng thường được áp dụng cho các công ty, doanh nghiệp có các sản phẩm, dịch vụ xác định kinh doanh lâu dài, muốn đưa thương hiệu tới người dùng.

Ưu điểm của SEO mũ trắng:

Từ khóa thường lên một cách đồng đều, vững chắc, không có hoặc rất ít bị ảnh hưởng xấu mỗi khi Google update thuật toán, trái lại có khi thứ hạng còn tăng đáng kể.

Nhược điểm của SEO mũ trắng:

Công sức bỏ ra rất nhiều và phải mất chi phí lớn, mất thời gian dài để từ khóa đạt được kết quả như mong muốn.

SEO mũ đen là gì?

SEO mũ đen (gọi theo tiếng Anh là Black Hat SEO) là hình thức SEO ngược lại hoàn toàn với SEO mũ trắng. Các SEOer mũ đen thường sử dụng các link, traffic bẩn… thậm chí là chơi xấu đối thủ, dìm đối thủ xuống để website của mình nhanh chóng có được thứ hạng cao tại các công cụ tìm kiếm. SEO mũ đen thường được áp dụng với các sản phẩm, dịch vụ có tính thời vụ nhất thời.

Ưu điểm của SEO mũ đen:

Từ khóa lên một cách nhanh chóng, có khi chỉ cần vài tuần là đứng top Google

Nhược điểm của SEO mũ đen:

Rất dễ bị các công cụ tìm kiếm phạt, và mỗi khi bị phạt thì rất khó để có thể trở về vị trí như cũ.

Seo mũ xám là gì?

Seo mũ xám là hình thức giao thoa giữa SEO mũ trắng và SEO mũ đen. Các SEOer mũ xám sẽ kết hợp song hành công việc của cả 2 hình thức SEO trên. Có thể nói tại Việt Nam SEO mũ xám là hình thức SEO được nhiều SEOer sử dụng nhiều hơn cả bởi sự nôn nóng muốn đạt hiệu quả trong thời gian ngắn. Tuy nhiên cũng giống như SEO mũ đen, SEO mũ xám giống như con dao 2 lưỡi bởi nếu không cẩn thận rất có thể vào một ngày đẹp trời nào đó từ khóa website của bạn sẽ không còn tìm thấy trên kết quả của các công cụ tìm kiếm nữa.

Lời kết

Có thể nói SEO là công việc không hề dễ dàng, nhất là trong tời kỳ bùng nổ công nghệ như hiện nay, người người nhà nhà đều kinh doanh trên internet, bạn có thể dễ dàng bắt gặp người bạn của bạn đang bán mặt hàng nào đó trên Facebook nên độ cạnh tranh rất cao. Chính vì thế nếu bạn quyết định trở thành  một SEOer bạn cần chuẩn bị kỹ về tâm lý, kiến thức cần thiết và không ngừng học hỏi bởi Google vẫn hàng ngày ra những thuật toán mới nhằm tối ưu kết quả tìm kiếm cho người dùng. Cách lựa chọn trở thành SEOer mũ trắng hay mũ đen tùy thuộc vào tính chất công việc và sở thích của bạn. Tôi chưa từng SEO mũ đen nên tôi không biết nói gì cho những người muốn thành SEO mũ đen, tuy nhiên với những ai muốn trở thành SEOer mũ trắng thì tôi có kinh nghiệm nho nhỏ là hãy hướng theo người dùng, bởi chính Google cũng mong muốn người dùng có được trải nghiệm tốt hơn nên nếu bạn hướng theo người dùng bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về các thuật toán của Google nữa.

Bài viết này là tổng hợp các kiến thức, kinh nghiệm của các thành viên T3i trong việc SEO nên có thể còn nhiều hạn chế và sai sót, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý đóng góp từ phía người đọc. Nếu bạn thấy cần sửa đổi hay đóng góp nào vào nội dung trên thì xin hãy comment phía dưới để mọi người cùng thảo luận.

 

Phần mềm cùng lĩnh vực

Kiểm tra thư hạng từ khóa website, phân tích website

Kiểm tra thứ hạng từ khóa

Hỗ trợ đăng tin tự động

Tạo backlink tự động

Tăng like tự động cho bài viết/ fanpage Facebook

Hỗ trợ đăng tin tự động

Hỗ trợ view, click link

Hỗ trợ tạo backlink tự động