30/06/16
Mrlee

Khi sử dụng máy tính chắc hẳn không ít lần bạn được nghe tới những từ như HDD, SSD máy tính, vậy HDD/SSD máy tính là gì? chúng đóng vai trò như thế nào trong máy tính của bạn?

HDD là gì?
HDD là tên gọi của ổ cứng vật lý truyền thống dùng để lưu trữ dữ liệu, các dữ liệu này sẽ không bị mất đi cho dù máy tính của bạn không hoạt động. Ổ cứng HDD có thành phần cấu tạo chính là 1 đĩa kim loại hình tròn được phủ từ tính, tấm kim loại này sẽ chứa dữ liệu và được đọc bằng một thanh kim loại có chức năng đọc/ghi, thanh kim loại sẽ đọc/ghi trong khi tấm kim loại quay trên 1 bệ đỡ.
Ổ cứng HDD
SSD là gì?
SSD và HDD có cùng một chức năng tuy nhiên cấu tạo của SSD không giống với HDD. SSD không dùng đĩa kim loại phủ từ tính để lưu trữ dữ liệu mà sử dụng các con chip flash liên kết với nhau, các con chip này vẫn giữ được dữ liệu ngay cả khi máy tính không được cấp nguồn. Tùy thuộc vào nhu cầu mà các con chip này được gắng ở vị trí khác nhau. Với một số dòng máy xách tay nhỏ và ultrabook thì các con chip sẽ được gắn liền với bo mạch chủ để tiết kiệm không gian, ở các máy trạm thì được gắn trên các cổng PCI/PCI tuy nhiên phổ biến hơn cả là gắn trong một chiếc hộp có hình dạng vừa với ổ cứng laptop và máy tính để bàn.
Ổ cứng SSD
Có thể nói các con chip trong ổ cứng SSD gần giống với những con chip trong USB tuy nhiên lại khác nhau về chủng loại và tốc độ ghi bộ nhớ và mức độ tin cậy bởi các chip trong ổ SSD được áp dụng các công nghệ tiên tiến để tạo ra chính vì thế các ổ cứng SSD thường đắt hơn USB mặc dù có cùng dung lượng lưu trữ. Bạn có thể tham khảo cách lựa chọn ổ SSD phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Lịch sử ra đời của ổ cứng HDD và SSD
Ngay từ khi máy tính ra đời thì ổ cứng HDD đã xuất hiện. Tiền thân của ổ cứng hiện nay là ổ cứng của hãng IBM 350 RMAC sản xuất năm 1956, khi đó IBM đã phải sử dụng tới 50 chiếc đĩa rộng 24-inch để có thể lưu trữ được lượng dữ liệu 3.75 MB, nếu như so sánh thì nếu bạn lưu trữ 1 bài hát mp3 chất lượng 128KB có độ dài khoảng 3 phút bạn sẽ cần tới lượng ổ cứng có kích thước tương đương với 2 chiếc tủ lạnh, quá khổng lồ phải không nào? Vào thời điểm mới ra đời IBM 350 RMAC được sử dụng bởi chính phủ và các doanh nghiệp và bị loại bỏ vào năm 1969. Vào đầu những năm 1980 các ổ cứng được tiêu chuẩn hóa dần với kích thước 5.25 inch, 3.5 inch dành cho máy tính để bàn và 2.5 inch dành cho máy tính xách tay. Các cáp kết nối cũng được cải tiến từ Serial tới IDE, SCSI và cuối cùng là SATA tuy nhiên nhìn chung chúng đều có nhiệm vụ là kết nối ổ cứng với bo mạch chủ (mainboard) để các dữ liệu được xử lý. Ngày nay ổ cứng 2.5 inch và 3.5 inch gần như sử dụng độc quyền cổng kết nối SATA. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, ổ cứng cũng tăng dần dung lượng lưu trữ từ MB lên TB (1TB=1000.000 MB), ổ cứng hiện nay có thể lưu trữ tối đa 16TB.
Nếu như ổ HDD có sự phát triển lâu đời thì ổ SSD mới được sử dụng trong vài năm trở lại đây tuy nhiên ổ SSD lại vượt trội hơn hẳn ổ HDD về tốc độ xử lý và độ bền nhờ vào việc áp dụng công nghệ bộ nhớ flash thay cho đĩa quang học. Vào cuối những năm 2000 các thế hệ bộ nhớ flash đầu tiên bắt đầu được sử dụng trong các dòng máy netbook. Cho tới năm 2007 thì hãng Asus đã áp dụng công nghệ ổ cứng SSD 1G và 2G vào dòng máy Asus Eee và PC 700 làm ổ cứng lưu trữ chính, các ổ cứng này thường được gắn liền vào bo mạch chủ. Theo thời gian các loại ổ cứng SSD ngày càng được tăng khả năng lưu trữ chính vì vậy các thiết bị sử dụng chúng cùng ngày càng phổ biến hơn và cuối cùng được chuẩn hóa trên ổ cứng 2.5 inch. Việc xuất hiện ổ cứng SSD 2.5 inch đã tạo ra một cuộc cách mạng khi người dùng có thể dễ dàng tháo ổ cứng HDD cũ có trong máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay và thay thế bằng ổ SSD đời mới giúp cho hiệu suất làm việc được cao hơn. Ngày nay đã xuất hiện nhiều dạng tiêu chuẩn mới của ổ SSD như ổ mSATA SSD, miniPCIE, M.2 SSD, SSD DIMM giúp cho việc lắp ổ cứng SSD vào nhiều thiết bị khác nhau được cơ động hơn. Hiện nay ổ cứng SSD có dung lượng lớn nhất là 16TB.
Về cơ bản HDD và SSD cùng có chung một mục đích đó là lưu trữ dữ liệu cá nhân, khởi động hệ thống. Tuy nhiên tùy vào mỗi trường hợp mà người dùng có thể sử dụng HDD hoặc SSD, vậy đâu là sự khác biệt? chúng ta cùng so sánh.
Về giá cả: Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra giá ổ cứng SSD trên thị trường hiện nay cao hơn nhiều so với ổ HDD kể cả về dung lượng lẫn tốc độ của từng loại ổ cứng. Ổ cứng HDD 1T hiện nay có giả chỉ 60-70usd trong khi với ngần đó tiền bạn chỉ có thể mua được ổ cứng SSD 128GB, còn ổ cứng SSD 1T có giá khoảng 350-400USD.
Về dung lượng tối đa phổ biến: Dung lượng tối đa của ổ SSD hiện nay là 16TB do samsung sản xuất tuy nhiên việc bạn tìm được các ổ có dung lượng 3-4TB đã là hiếm có trên thị trường bởi giá cả của chúng thường quá cao và đa số người dùng không đủ kinh phí để chi trả cho các ổ cứng có dung lượng lớn như vậy. Nếu như ổ cứng HDD hiện nay phổ biến được người dùng sử dụng nhiều có dung lượng từ 500G-2T thì ổ SSD lại hạn chế hơn hẳn chỉ từ 120G-512G.
Về tốc độ: Có thể nói nếu so sánh về tốc độ thì ổ cứng SSD có tốc độ vượt trội hơn hẳn so với ổ HDD, với ổ SSD bạn có thể khởi động chiếc máy tính yêu quý của bạn chỉ mất có vài giây so với hàng phút so với ổ HDD. Bạn cũng có thể mở các ứng dụng trên ổ SSD nhanh hơn và có hiệu suất tổng thể hơn so với mở cùng ứng dụng đó trên ổ HDD. Qua bài kiểm tra của chúng tôi và của nhiều người khác trên mạng internet thì ổ cứng SSD có tốc độ gấp 10-20 lần so với ổ cứng HDD, một tốc độ thật đáng nể.
Về phân mảnh: Do ổ cứng HDD có cơ chế đặc thù là bề mặt đĩa quay nên khi làm việc với các tệp tin lớn ổ cứng sẽ xuất hiện phân mảnh tuy nhiên điều này không xảy ra với ổ SSD bởi ổ SSD không có đầu đọc vật lý.
Về độ bền: Ổ cứng SSD còn được gọi là ổ cứng thể rắn, được tạo ra bởi các chip flash chính vì vậy ổ SSD sẽ bảo vệ an toàn ổ cứng cũng như dữ liệu của bạn trong trường hợp bị va đập, rung lắc hoặc di chuyển khi đang hoạn động. Trong khi đó ổ cứng HDD khi hoạt động đĩa kim loại đang quay với vận tốc rất lớn lên tới hàng trăm dặm/giờ chính vì vậy khi xảy ra sự cố va đập, di chuyển sẽ rất dễ xảy ra trường hợp đĩa kim loại va đạp với đầu đọc/ghi dẫn tới hỏng ổ đĩa.
Về sự phổ biến: Vì ra đời từ lâu và giá thành rẻ nên ổ HDD phong phú hơn hẳn so với ổ SSD. Danh sách các hãng sản xuất ổ cứng Western Digital, Toshiba, Seagate, Samsung, và Hitachi công bố đều cho thấy ổ cứng HDD được sử dụng nhiều hơn. Mặc dù ổ cứng HDD vẫn đang trên đà phát triển tuy nhiên với máy bàn và máy Mac ổ HDD vẫn không thể thay thế trong vài năm tới.
Về hình thức: Ổ cứng HDD hoạt động bằng đĩa kim loại quay nên sẽ khó khăn trong việc thu nhỏ ổ cứng, nếu ổ cứng nhỏ thì khả năng lưu trữ cũng sẽ bị giảm đi. Trong khi đó ổ SSD là ổ thể rắn chính vì vậy có thể thu nhỏ dễ dàng khi công nghệ phát triển hơn. Việc các dòng máy tính xách tay ngày càng mỏng hơn cũng là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành công nghiệp ổ cứng SSD phát triển.
Về tiếng ồn: Mặc dù ổ cứng HDD chạy khá êm, bạn phải áp sát tai nghe mới có thể nghe được âm thanh của ổ kim loại phát ra từ nó, ổ HDD hoạt động càng nhanh thì tiếng ồn càng cao trong khi ổ SSD bạn gần như không nghe thấy được tiếng ồn phát ra từ nó.
Kết luận: Hiện nay ổ cứng HDD đang có những ưu điểm về giá thành rẻ và sự phổ biến tuy nhiên theo thời gian ổ SSD sẽ thay thế dần ổ HDD bởi hiệu năng mà nó mang lại.
Tags: