06/06/16
Mrlee

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ công việc in ấn đang ngày càng cần thiết nhất là việc sử dụng các máy in laser. Về cơ bản công nghệ in laser được phát triển dựa trên công nghệ ghi ảnh bằng hiện tượng điện quang (xerography hoặc electrophotography). Hiện tượng điện quang được nhà vật lý CF Carlson (Mỹ) phát minh năm 1937 và nguyên lý này chính là nền tảng cho việc ra đời máy photocopy năm 1950 rồi cài biên thành máy in laser nhỏ gọn, có thể để bàn đầu tiên vào năm 1985 nhờ cuộc cách mạng trong ngành công nghệ laser của hãng Canon.

Máy in canon 2900

Nguyên lý hoạt động của máy in laser khá đơn giản, các ký tự, hình ảnh... trong máy vi tính sẽ được một dụng cụ đọc và dịch ra thành một loạt tia laser theo một lối nhất định. Tia laser này sẽ chiếu trực tiếp vào 1 bộ quay có kèm theo giấy được cuốn theo nó đồng thời có tác dụng tĩnh điện, bộ quay này tiếp giáp với trục từ chứa mực. Khi quay tới chỗ nào có tia laser rọi lên thì sẽ thấm vào giấy còn những chỗ khác thì không. Những kỹ thuật đã áp dụng vào in laser là môi trường tĩnh điện (nên nhớ giấy có thể thu tĩnh điện, các atom điện sẽ nằm trên mặt giấy nếu nó bị charged điện vào), photoreceptor, discharge lamp...

Các tia laser phát ra sẽ hướng xuyên qua hệ thống các thấu kính hội tụ và gương rồi đập vào bề mặt trống in. Vùng bề mặt trống in tiếp nhận tia laser sẽ trở thành một ảnh điện. Tia laser tiếp tục được phát rồi tắt trên bề mặt trống, tần số chớp tắt của tia laser chính là thông số quyết định độ phân giải của trang in (dotper inch - dpi), thông số dpi càng cao chất lượng trang in càng đẹp.

Các quy trình để ra 1 trang in.

Quy trình 1: làm sạch

Đây là công đoạn làm sạch trống in trước khi tiếp nhận một trang in mới. Công đoạn này được thực hiện bởi 2 lưới dao, 1 lưỡi dao có nhiệm vụ cạo sách mực thừa còn trên trống in, lưỡi còn lại sẽ đưa các mực thừa đó vào trong ngăn chứa. Khi các bộ phận như trống in hoặc dao có vấn đề, trang in thường xuất hiện sọc dọc trang in, lem, trang in có các hạt li ti.

Quy trình 2: Tích điện

Trống sau khi được làm sạch sẽ được tích điện để có thể nhận ảnh từ tia laser. Roulo tích điện sơ cấp có nhiệm vụ tì sát vào trống để ion hóa không khí để tạo điều kiện cho nguồn điện 1 chiều mang điện tích âm tích lên trống. Trường hợp nguồn điện không đủ điện áp, điện tích âm không đồng nhất dẫn đến mực không đến được những nơi mong muốn.

Quy trình 3: Chép

Tia laser được phát ra sẽ phóng thích một điện tích âm, một chiều lên trống tạo ra một bức ảnh ẩn, bức ảnh ẩn mang điện áp thấp này sẽ tạo lực hút mực in.

Quy trinh 4: Rửa ảnh

Bức ảnh ẩn này sẽ được "rửa" để thành bức ảnh có thể nhìn thấy được, mực in ngay lập tực sẽ được hút về phía roulo rửa ảnh bằng nam châm trong (được áp dụng trong công nghệ của Canon) hay phóng tĩnh điện (áp dụng trong công nghệ của Lexmark)

Quy trình 5: Chuyển ảnh lên giấy

Sau khi ảnh được "rửa" giấy sẽ áp vào bề mặt trống, lúc này giấy sẽ được cấp một điện tích dương từ phía sau lưng có tác dụng hút mực in từ trống sang. Nếu điện tích dương cấp yếu sẽ cho ra bản in mờ nhạt đồng thời xuất hiện nhiều mực thừa.

Quy trình 6: Định hình bản in

Khi mực in bám vào giấy sẽ được đưa qua một roulo có nhiệt độ lên tới 180 độ C có tác dụng "nung chảy" các hạt mực để các hạt mực bám chết vĩnh viễn vào giấy.