16/02/17
Mrlee

Hiện nay sever được sử dụng khá phổ biến tại các doanh nghiệp, công ty cung cấp dịch vụ máy chủ. Vậy server là gì và máy chủ server có gì khác so với máy tính thông thường?

Server là gì?

Server (máy chủ) là máy tính có cấu trúc phần mềm và phần cứng được thiết kế ra với mục đích cung cấp tài nguyên, phục vụ cho nhiều máy tính khác sử dụng thông qua kết nối mạng LAN hoặc internet, máy tính server thường có cấu hình cao và sử dụng IP tĩnh.

Về cơ bản server cũng là một máy tính thông thường tuy nhiên được thiết kế với cấu hình vượt trội hơn để có thể đáp ứng khả năng lưu trữ và xử lý một khối lượng dữ liệu lớn trên môi trường internet. Khác với workstation được thiết kế ra với mục đích xử lý các ứng dụng nặng trên máy tính đó thì server hoạt động với mục đích đáp ứng khả năng truy cập dữ liệu của hàng trăm máy tính khác cùng lúc.

Hệ thống máy server

Các loại máy chủ phổ biến?

Máy chủ được phân loại dựa theo phương pháp tạo ra chúng gồm 3 loại chính: máy chủ ảo, máy chủ riêng và máy chủ điện toán đám mây

Máy chủ riêng (Dedicated Server): Dạng máy chủ này hoạt động trên nền tảng phần cứng và các thiết bị hỗ trợ riêng biệt như HDD, CPU, RAM, Card mạng... Để nâng cấp cấu hình của máy chủ riêng người dùng phải thay đổi phần cứng của máy chủ.

Máy chủ ảo (Virtual Private Server hay còn gọi là VPS): Đây là dạng máy chủ khá phổ biến, được tạo thành bằng cách sử dụng công nghệ ảo hóa, chia tách từ một máy chủ cụ thể riêng lẻ thành nhiều máy chủ ảo khác nhau. Các máy chủ ảo được tạo ra có đầy đủ các tính năng như máy chủ riêng nhưng được chia sẻ dữ liệu từ máy chủ gốc. Khác với máy chủ riêng, người dùng khi muốn nâng cấp cấu hình máy chủ ảo đơn giản hơn rất nhiều vì có thể thay đổi trực tiếp thông qua phần mềm quản lý hệ thống, cấu hình của máy chủ ảo bị phục thuộc và giới hạn bởi cấu hình của máy chủ vật lý.

Máy chủ đám mây (Cloud Server): Là hệ thống máy chủ được hình thành và kết hợp từ nhiều máy chủ vật lý khác nhau, thông qua hệ thống lưu trữ SAN nên Cloud Server cho tốc độ hoạt động vượt trội, ổn định và hạn chế tới mức thấp nhất các rủi ro, downtime trong quá trình sử dụng. Nhờ được xây dựng trên công nghệ điện toán đám mây nên người dùng có thể dễ dàng nâng cấp từng thiết bị có trong hệ thống ngay khi hệ thống đang sử dụng mà không làm gián đoạn quá trình sử dụng của máy chủ.

Các loại chức năng của máy chủ?

Máy chủ bao gồm các chức năng chính: Web server, Database server, FTP server, SMTP server, DNS server, DHCP server

Web server (máy chủ web): Đây là loại máy chủ phổ biến nhất, các phần mềm (web server) được cài đặt trên nó nhằm mục đích phục vụ duy trì hoạt động của các website. Phần mềm được cài đặt trên web server phải đáp ứng yêu cầu chạy được các file *.html., *.htm, *.asp, *.aspx, *.php, *.jsp. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng của website mà người dùng cài đặt phần mềm trên web server phù hợp.

Database server (máy chủ dữ liệu): Phần mềm được cài đặt trên database server là phần mềm Hệ quản trị cơ sở dữ liệu, các cơ sở dữ liệu được sử dụng bao gồm SQL server, MySQL, Oracle...

FTP server: Máy chủ này được sử dụng để trao đổi những tập tin bằng cách sử dụng giao thức TCP/IP thông qua mạng internet, mạng nội bộ... Công việc chủ yếu của FTP server là giúp các máy tính khác trong cùng mạng có thể dễ dàng trao đổi dữ liệu một cách nhanh chóng và thuận tiện.

SMTP server: SMTP là viết tắt của Simple Mail Transfer Protocol - nghĩa là giao thức truyền tải thư tín đơn giản, đây là dạng máy chủ igups truyền tải thư điện tử thông qua mạng Internet, bạn có thể gửi mail cho bạn bè, đối tác khách hàng thì nhà cung cấp phải sử dụng SMTP server.

DNS server: Là máy chủ hỗ trợ phân giải tên miền. Khi tham gia môi trường internet, mỗi máy tính, thiết bị mạng sở dĩ có thể kết nối chính xác được với nhau đều thông qua địa chỉ IP và tên miền cũng vậy. Tuy nhiên nếu như muốn truy cập vào một website nào đó bạn phải gõ chính xác địa chỉ IP thì rất khó nhớ, chính vì thế chúng ta thường dùng domain name để xác định địa chỉ IP đó và DNS server có tác dụng ánh xạ tên miền thành địa chỉ IP để giúp người dùng truy cập được đơn giản hơn.

DHCP server: DHCP là viết tắt của Dynamic Host Configuration Protocol - có nghĩa là cấu hình tự động máy chủ, giúp người dùng tự động cấu hình địa chỉ IP. Việc tự động cấu hình địa chỉ IP sẽ giúp đơn giản hóa, hạn chế việc can thiệp vào hệ thống mạng. Máy chủ có cài đặt DHCP sẽ thông qua dữ liệu cấu hình TCP/IP để cấp phát địa chỉ IP một cách tự động đồng thời trả lời DHCP Client khi DHCP Client yêu cầu về sự thay đổi trong hợp đồng thuê bao.

Các hãng sản xuất máy chủ phổ biến?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều hãng sản xuất máy chủ server, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng trên cả hệ thống máy PC như Dell, IBM... Nếu như quyết định mua cho mình một máy chủ thì bạn có thể lựa chọn các hãng như IBM, Dell, Super Micro, Cisco, HP..

Tags: